Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong con mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan

Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ giao thương từ thời Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Ngay từ trước khi VOC được thành lập, nhiều bản đồ miêu tả bờ biển Việt Nam đã được vẽ và in ấn tại Bỉ, Hà Lan, Luxembourg. Trên các bản đồ phương Tây, vùng đất Việt Nam ngày nay thường được gọi là ‘Tonkin’ chỉ miền Bắc, và ‘Cochinchina’ hay ‘Quinam’, chỉ khu vực miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, các bản đồ cổ hơn còn dùng tên 'Champa' hoặc 'Tsiompa' để chỉ khu vực phía Nam.

Tuy Việt Nam không phải là nước trọng yếu trong thương mại biển của Hà Lan, nhưng vẫn có hai trạm giao thương ở Việt Nam. Năm 1630, công ty VOC ký hiệp định với vương quốc Bắc Kỳ - còn gọi là Đàng Ngoài dưới sự cai trị của chúa Trịnh- mở một thương điếm ở Phố Hiến, gần Hà Nội. Thương điếm này được duy trì cho đến năm 1699. Năm 1637, thương điếm thứ hai được mở tại Faifo (Hội An ngày nay) ở Quinam, do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cai trị. Thương điếm này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn cho đến năm 1652. Năm 1887, miền Trung hình thành, được gọi là An Nam hay Trung Kỳ như một phần của Đông Dương thuộc Pháp cùng với hai vùng khác. ‘Cochinchina’ hay Nam Kỳ sau đó được đặt tên cho vùng phía nam và Tonkin hay Bắc Kỳ cho phần phía bắc của Việt Nam.

 

Thực ra vào năm 1862, Hạ Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Địa danh Bắc Kỳ được sử dụng từ năm 1884 đến năm 1945 để gọi vùng bảo hộ của Pháp ở miền Bắc. Theo thời gian “thuộc địa” của Pháp ngày càng mở rộng và được đặt tên là “Đông Dương”, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào ngày nay. Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945, Lào và Campuchia năm 1954.

Triển lãm này được thực hiện với sự hợp tác của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, đánh dấu hơn 400 năm giao lưu nhân dân và 50 năm quan hệ song phương Việt Nam- Hà Lan. Qua nhiều thế kỷ, rất nhiều loại bản đồ - từ hải đồ sử dụng trong điều hướng hàng hải đến tập bản đồ (atlas) -đã được sản xuất. Những bản đồ phản ánh sự thay đổi tình hình chính trị và địa lý của khu vực. Hầu hết các bản đồ trong triển lãm này đều thể hiện một vùng rộng lớn hơn Việt Nam, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực xung quanh. Theo thời gian, một số bản đồ và tập bản đồ chi tiết và toàn diện được xuất bản. Triển lãm lần này tập trung vào các bản đồ Việt Nam được sản xuất tại Hà Lan, một phần trong bộ sưu tập bản đồ của Thư viện Đại học Leiden.